Ông Paul Hougwaerts, nhóm công tác cơ sở hạ tầng cho rằng, Việt Nam cần đầu tư vào một vài cảng biển lớn hơn là tập trung vào nhiều cảng quy mô nhỏ không thể đảm bảo yêu cầu của một cảng nước sâu. Các cảng biển trong kế hoạch này sẽ đáp ứng công suất cho tới năm 2050.
(Các đại biểu thảo luận bên lề Diễn đàn DN)
Việt Nam phải xây dựng ngay từ bây giờ cho một kế hoạch dài hơi như vậy.
Ông Paul lấy cảng Cái Mép, Thị Vải là ví dụ cho việc phát triển những cảng nước sâu. Các cảng này chính là điểm kết nối trực tiếp Việt Nam đến châu Âu và Mỹ, do đó, phải đảm bảo có thể đón tàu trọng tải 8.000 container trở lên. Việt Nam cần tiến hành mở rộng nạo vét lòng sông, đảm bảo mức nước sâu tối thiểu 14 mét.
"Nếu muốn tiếp tục tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu ở mức cao trong tương lai, việc bắt đầu công việc này từ năm nay là tối cần thiết".
Ông phân tích, 24 tháng là thời gian cần thiết để xây dựng bất kỳ một cảng nào. Đó là khoảng thời gian xác định bởi các đơn vị tư vấn. Thêm vào đó, hạ tầng cơ sở đường giao thông phải hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2009. Nếu không đảm bảo tiến độ, tăng trưởng và phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Đó là điều mà chúng ta phải tránh bằng mọi giá".
(Việt Nam cần quy hoạch phát triển cảng biển cho năm 2050 ngay từ bây giờ)
Bên cạnh đó, việc phát triển các tuyến đường giao thông nối các cảng biển với các khu công nghiệp cũng được nêu là một ưu tiên, đặc biệt các tuyến đường đến cảng Cát Lái và cảng VICT. "Việc này sẽ định vị hai cửa ngõ ra/vào Việt Nam".
Ông Paul cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát các luồng giao thông tiềm năng đến hai cảng biển này.
"Bản thân ngành thường xuyên bị phê bình vì chậm trễ"
Cách đây chưa lâu, tháng 7/2007, Bộ GT-VT cũng đã đánh giá quy hoạch cảng biển thành phố Hồ Chí Minh: tầm quy hoạch còn yếu cả về nhìn xa và nhìn rộng. Dự báo hàng hóa thấp so với thực tế, bị động với thực tế, chưa nắm bắt được khả năng phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách đầy đủ. Tổ chức thực hiện quy hoạch còn chậm, đặc biệt là di dời các cảng trên sông Sài Gòn và nhà máy đóng tàu Ba Son, phát triển cảng tại khu vực Cát Lái, Nhà Bè và Hiệp Phước.
Chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho di dời, đặc biệt là cơ chế tài chính và sử dụng đất tại vị trí cũ. Quy hoạch chưa đồng bộ giữa bến cảng với các tuyến đường, hệ thống cáp điện, cấp nước và khu vực hậu phương của cảng...
Ngay tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải thừa nhận "bản thân ngành giao thông cũng thường xuyên bị phê bình vì chậm trễ trong triển khai các dự án". "Bộ GT-VT đang và sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt", ông cam kết với DN.
Thứ trưởng cũng thông tin về tình hình triển khai các dự án tại khu vực cảng biển. Đối với cảng Cái Mép, đã tiến hành đấu thầu xây dựng vào tháng 11 nhưng thất bại. Hiện nay, Việt Nam đangtiến hành xử lý sau đấu thầu.
Để tạo thuận lợi hơn, các đơn vị đang xem xét khả năng tách gói thầu đường nối qua cảng thành gói thầu riêng. Đối với gói thầu luồng, sẽ chỉnh lại tiến độ để đấu thầu sớm, nếu không có gì vướng mắc, trong năm 2009, sẽ hoàn thành.
Đối với tuyến giao thông từ cảng Cái Mép ra các khu công nghiệp Biên Hòa, TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đang tiến hành 3 dự án trong đó một dự án đang triển khai cắm mốc, giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai thiết kế kỹ thuật để sang năm 2008 đấu thầu. Dự án tuyến đườgn từ Biên Hòa, qua Cái Mép, đi Vũng Tàu sẽ sửa tuyến, ưu tiên phát triển trước tuyến Biên Hòa - Cái Mép.
Cơ quan chức năng cũng đang hoàn chỉnh thủ tục kêu gọi BOT cho các nhà thầu tham gia. Dự án mở rộng quốc lộ 51 từ Biên Hòa đi Vũng Tàu từ 4 làn đường lên 6 làn đường đã có dự án từ trước nên không vướng vấn đề giải phóng mặt bằng. Hiện nay, đang kêu gọi đi BOT và các nhà đầu tư đang nộp hồ sơ.