Tin trong ngành
Cảng biển hấp dẫn nguồn vốn lớn nước ngoài

Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đang trở thành một hạn chế lớn của Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư trong nước tăng lên, luồng vốn nước ngoài vào mạnh nhưng Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu năng lượng điện, đường bộ xuống cấp và không đủ đáp ứng và đặc biệt cảng biển quá thiếu khiến hàng hóa đang có nguy cơ tắc đầu ra.

Đầu tư cảng biển đòi hỏi nguồn vốn cực lớn và thật là khó cho ngân sách khi cùng lúc lo quá nhiều vốn đề đầu tư. Một hướng mở được Nhà nước khuyến khích là kêu gọi đầu tư tư nhân và đây chính là cơ hội cho các "đại gia" cảng biển nước ngoài bỏ vốn vào Việt Nam đầu tư cảng biển. Những tín hiệu đầu tiên cho thấy rất nhiều khả quan.

Tắc đầu ra

Theo quy hoạch đến 2010, định hướng đến 2020 thì hệ thống cảng biển đến năm 2010 có khả năng thông qua 100 triệu tấn hàng hóa.

 



Cảng biển Việt Nam đang trong tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, số liệu các chuyên gia kinh tế biển cung cấp thì con số thực tế hiện nay đã vượt quá xa dự báo. Cụ thể, đến năm 2006, lượng hàng hóa thông qua các cảng đã lên 154,498 triệu tấn, tăng 11,2% so với năm 2005. Trong đó hàng container đạt 3,42 triệu TEUs, tăng 11,84% so với 2005, riêng tân cảng Sài Gòn đã xếp dỡ 1,47 triệu TEUs, trong khi dự báo của các đơn vị tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài đến năm 2010, container qua cảng Sài Gòn là 2 triệu TEUs, thực tế năm 2007 sẽ đạt 2,5 triệu TEUs.

Thực ra, việc quá tải các cảng biển và sai số của dự báo đã được phát hiện cảnh báo về sự quá tải của cảng biển Việt Nam. Tháng 12/2002, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) dự tính, tổng số lượng hàng hoá khô qua cảng khu kinh tế trọng điểm phía Nam khoảng 50,13 triệu tấn, trong đó hàng container sẽ là 2,27 triệu TEUs vào năm 2010. Tuy nhiên, vào năm 2005, chỉ riêng lượng hàng hóa qua các cảng của TP.HCM như: Sài Gòn, Tân Cảng, Bến Nghé, VICT và Phước Long đã là 35 triệu TEUs và trong đó hàng container là 2,2 triệu TEUs.
Quy hoạch cảng biển cho Vùng kinh tế phía Nam của Chính phủ ban hành năm 2005 đã dự đoán tổng khối lượng hàng khô đi qua các cảng khu vực này là 52,9 triệu tấn vào 2010 chưa bao gồm hàng hoá chất lỏng và hành khách. Đến năm 2005, khối lượng hàng hoá qua cảng chính TP.HCM là 35 triệu tấn, trong đó có 2,2 triệu TEUs hàng container. Nếu cộng thêm hàng hoá qua các cảng nhỏ trong khu vực thì sẽ vượt xa con số này.
Các chuyên gia dự báo, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 15% thì tổng nhu cầu đến 2010 sẽ đạt 70 - 80 triệu tấn. Như vậy, chỉ riêng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thiếu khoảng 20 - 30 triệu tấn. Và nhu cầu sẽ trở nên căng thẳng từ 2007 - 2010. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng cho nhiều lĩnh vực kinh tế nhất là xuất khẩu.

Cơ hội đầu tư

Trong hội thảo gần đây về cảng biển, ông Tan Hua Joo - Giám đốc điều hành Tập đoàn APL Việt Nam cho biết, theo đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, trong 5 năm tới, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng hóa, Việt Nam cần khoảng 5 tỷ USD để đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng biển.

Thực tế, đầu tư nước ngoài vào cảng biển đã bắt đầu sôi động từ nửa sau năm 2006 khi hàng loạt dự án phát triển cảng có yếu tố vốn nước ngoài khởi động. Đầu tháng 8/2006, TP.HCM đã trao giấy phép thành lập Công ty cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), liên doanh giữa P&O Ports Saigon Holdings Limited (Anh) và Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Với tổng vốn đầu tư 249 triệu USD đầu tư khai thác cảng container tiêu chuẩn quốc tế với chiều dài tuyến bến 950m, rộng 40ha, công suất dự kiến đạt 1,5 triệu TEUs
Đầu tư cảng biển hấp dẫn các nguồn vốn lớn.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đang có nhiều dự án xây cảng sẽ triển khai như: dự án liên doanh mở cảng biển tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giữa cảng Sài Gòn và tập đoàn Maersk A/S của Đan Mạch, cảng Singapore với vốn đầu tư 187 triệu USD để phát triển cảng ở thượng nguồn cảng Cái Mép - Thị Vải. Nếu được đưa vào hoạt động đúng kế hoạch vào năm 2010, cảng mới này gồm 2 cầu tàu sẽ có công suất bốc dỡ 950.000 TEU/năm. Một liên doanh có số vốn, 165 triệu USD giữa cảng Sài Gòn và Singapore sẽ liên doanh đầu tư một cảng biển ở hạ nguồn cảng Cái Mép - Thị Vải, dự kiến cũng hoàn tất vào năm 2010. Ở giai đoạn 2, liên doanh sẽ tăng thêm 133 triệu USD.
Đặc biệt, Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản muốn đầu tư xây dựng Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong - Khánh Hoà với số vốn lên đến hơn 600 triệu USD. Trọng tâm dự án là việc xây dựng một cảng container tầm cỡ khu vực, làm hạt nhân phát triển cho các khu vực liên quan khác về đô thị, du lịch... Trong danh sách hơn 50 tỷ USD các dự án lớn xin đầu tư vào Việt Nam thì đầu tư cảng luôn là những dự án lớn nhất và nhà đầu tư luôn cam kết cao về tiến độ xây dựng
Ở trong nước, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) được giao là DN chủ lực xây dựng các cảng biển lớn. Tuy nhiên, Vinalines cũng chọn cách liên kết với các đối tác nước ngoài để phát triển các dự án cảng với tổng vốn đầu tư lên đến khoảnggần tỷ USD. Hiện nay, Vinalines đã ký  thỏa thuận liên doanh với Tập đoàn SSA Marine (Hoa Kỳ) đầu tư xây dựng bến 2, 3, 4 cảng Cái Lân (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. 
Vinalines cũng đang chuẩn bị thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa, có khả năng tiếp nhận tàu container 10.000-12.000 Container và cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 60.000 -80.000 tấn... có tính đến hướng hợp tác và huy động vốn quốc tế. Mới đây tháng 1/2007, Credit Suisse (Thụy Sĩ) thỏa thuận cho Vinalines vay 1 tỉ USD để đầu tư phát triển đội tàu, xây dựng cảng... Vinalines cũng được Chính phủ quyết định dành 500 triệu USD trong tổng số 1 tỷ USD vốn trái phiếu quốc tế huy động vào cuối năm nay để xây dựng cảng và phát triển đội tàu.

Các dự án đầu tư cảng biển hiện được xúc tiến đầu tư với tốc độ nhanh. Điều này cho thấy,  nhà đầu tư đã nhận thấy sự hấp dẫn của cảng biển và có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, hình thành các liên doanh với qui mô đầu tư lớn


Dịch vụ
Dự án
Liên kết website
Thời tiết
Khu vực:


Thống kê truy cập
Đang trực tuyến: 155
Tổng truy cập: 7741159
Copyright © 2012 Web HP, All Rights Reserved